Con bắt đầu đối diện với rất nhiều sự thay đổi, với những điều mới mẻ và cần có sự chăm sóc, định hướng của người lớn, để phát triển toàn diện hơn.
Thời kỳ thanh thiếu niên, trải qua 3 giai đoạn nhỏ là:
– Giai đoạn tiền dậy thì
– Giai đoạn thiếu niên
– Giai đoạn thanh niên
Đây là thời kỳ then chốt, con sẽ phát triển nhanh chóng về thể chất (hình dáng, chiều cao), về tâm lý. Điều quan trọng là giúp con hướng tới chiều cao lý tưởng, dáng chuẩn, có đủ tri thức và nhân cách khi trưởng thành.
Vậy, cần nuôi dạy con như thế nào?
– Dinh dưỡng: Để con thêm cao lớn, trước hết hàng ngày cần bổ sung dinh dưỡng cho con đầy đủ và đúng thời điểm, đặc biệt là giai đoạn dậy thì. Bữa ăn cần đủ các nhóm dinh dưỡng (đạm, béo, bột và chất xơ) để con đủ năng lượng hoạt động. Ở thời điểm này, con thường có nhu cầu ăn nhiều hơn, nên cần chú ý cân đối dinh dưỡng là quan trọng nhất.
Chú trọng bổ sung Canxi và các khoáng chất cần thiết, bởi lúc này, xương của con dài ra rất nhanh. Canxi rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì, nếu được cung cấp đủ sẽ giúp xương chắc khỏe và độ đậm xương đạt mức tối đa giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao và phòng được bệnh loãng xương mai sau. Mỗi ngày trẻ cần 1.000 – 1.200mg canxi.
Chất sắt: Bé gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn bé trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu thiếu sắt trẻ sẽ bị thiếu máu gây ra các triệu chứng mệt mỏi, hay quên, buồn ngủ, da xanh…
Các vitamin: Đây là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; chậm phát triển chiều cao. Khi thiếu vitamin C, quá trình tổng hợp collagen gặp trở ngại, làm giảm quá trình hình thành tế bào ở các thành mạch, mô liên kết, xương, răng, giảm sức đề kháng.
– Vận động thể thao: Ngoài chế độ ăn uống, vận động tập thể dục thể thao là rất quan trọng ở lứa tuổi này, vì đây là giai đoạn cuối cùng để trẻ tăng tốc chiều cao, sau khi dậy thì trẻ sẽ cao rất chậm, thậm chí không tăng chiều cao nữa. Các môn thể thao giúp trẻ tăng chiều cao như bơi, chạy, đạp xe,đánh cầu lông…Trẻ tăng chiều cao tốt cũng là cách để ngăn thừa cân béo phì giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa về sau.
– Ngủ đủ và đúng giờ: Ngủ đủ 8 giờ vào ban đêm cũng như ý thức việc nên đi ngủ sớm, dậy sớm để chào bình minh sớm sẽ tốt cho cơ thể rất nhiều. Cố gắng dành thời gian chợp mắt buổi trưa khoảng 15-30 phút cũng rất cần thiết cho sức khỏe. Bởi vì nếu ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ cho các em một giấc ngủ sâu và đó còn là yếu tố kích thích tăng trưởng được tuyến yên tiết ra, làm tăng thêm chiều cao.
– Chú ý đến tâm sinh lý và hãy làm bạn với con:
Giai đoạn tiền dậy thì : Trẻ bắt đầu có những biến chuyển về cơ thể, tuy chưa rõ ràng và tâm lý vẫn là một đứa trẻ, nhưng bắt đầu phải đối diện với những thay đổi về tình cảm. Thời điểm này thì trẻ rất tò mò về thế giới xung quanh và có khả năng bắt chước nhanh, tập trung sự chú ý vào các hoạt động của người lớn và xem bố mẹ, thầy cô của là những tấm gương mẫu mực.
Giai đoạn thiếu niên : Là giai đoạn dậy thì và trẻ lớn nhanh về thể chất, bắt đầu quan tâm nhiều đến bề ngoài như y phục và cách ứng xử. Với bé trai, yếu tố tạo ra sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ này là là hocmon Testosteron được “sản xuất” từ tinh hoàn. Nó sẽ khiến cho bé trai phát triển về cơ bắp, lông mọc chủ yếu ở quanh miệng và ở vùng mu trên bộ phận sinh dục. Dây thanh âm chùn lại làm cho giọng trầm đi, gọi là vỡ giọng. Tuyến mồ hôi tăng gia lượng bài tiết khiến cho mụn bắt đầu xuất hiện. Cơ quan sinh dục cũng bắt đầu “nở mày nở mặt”.
Với bé gái, lúc đó buồng trứng sẽ tiết ra hormon estrogen, làm phát triển các cơ quan sinh dục cả trong lẫn ngoài, các em tiến dần tới dáng vẻ hoàn thiện của một phụ nữ.
Tuy nhiên về phương diện tâm lý thì sự phát triển tương đối đồng đều hơn.. Trung bình trẻ gái hoàn toàn dậy thì trong 3 năm, còn trẻ trai phải mất 5 năm.
Giai đoạn thanh niên: Khi từ lứa tuổi thiếu niên bước vào lứa tuổi từ 16 – 18, trẻ sẽ thích nghi với những biến chuyển về tâm sinh lý, nhu cầu về tình cảm và tình dục sẽ trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Trẻ bắt đầu có những rung động trước những người khác giới, có những tò mò cùng với những ức chế về phái tính nhiều hơn. và luôn tự cho mình là đã trở thành một người trưởng thành với những hiểu biết về thế giới bên ngoài. Trẻ sẽ tự hào về những kỹ năng có được và tỏ ra coi thường kinh nghiệm của những người lớn hơn mình.
Về phương diện cơ thể, tuổi thanh niên đã phát triển toàn diện, mặc dù vẫn có thể cao hơn cho đến năm 25 tuổi, hệ thần kinh vẫn có thể có những biến chuyển tích cực hơn. Nhưng về phương diện sinh lý, thì cơ thể đã hoàn toàn có khả năng sinh sản, mặc dù trong lứa tuổi dậy thì các em đã có khả năng đó kể từ khi các em trai có tinh dịch và các em gái có kinh nguyệt, nhưng các em nữ có thể gặp những trở ngại khi sinh nở khi xương chậu chưa hoàn thiện còn các em nam thì chưa hoàn thiện trong việc quan hệ.
Kết luận: Những khác biệt trên tuy không phải là một mẫu số chung, nhưng nếu bố mẹ luôn ý thức và lưu tâm chăm sóc một cách hiệu quả hơn. Những hiểu biết về dinh dưỡng, giới tính, hỗ trợ đúng thời điểm sẽ giúp con phát triển toàn diện về mặt thể chất và trí lực!
Theo healthplus.vn