Các bệnh hay gặp ở trẻ vào mùa lạnh thường là những bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa,quai bị... Do khả năng hệ miễn dịch kém, công thêm thời tiết từ nóng chuyển sang lạnh, kèm theo mưa phùn, độ ẩm không khí cao.
Bệnh viêm mũi - họng
Theo nhận định của tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em là bệnh phổ biến nhất. Theo báo cáo thống kê hàng năm có khoảng 4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, chủ yếu là do viêm phổi.
Các bệnh đường hô hấp hay gặp nhất ở trẻ vào mùa Đông và mùa xuân là viêm mũi xuất tiết, viêm họng, viêm amiđan hoặc hốc mủ viêm xoang, viêm tai giữa… Biểu hiện thường là các triệu chứng thông thường như là sốt ( hoặc không sốt), chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, nhiều đờm. Chủ yếu là do virut gây nên.
Tác nhân gây ra bệnh là do sức đề kháng kém cần tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng sản phẩm thực phẩm chức năng, thảo dược đông y,…
Viêm phế quản
Trẻ bị viêm phế quản là do thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp. Virut là thủ phạm chính gây nên các chứng bệnh thường thấy ở trẻ như cảm lạnh, ho, cúm hay viêm xoang. Nếu không điều trị kịp thời chúng có thể lây lan tới hai cuống phổi ( bộ phận nối cổ họng và hai lá phổi với nhau). Chúng làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ và một phần dịch nhầy trong phổi bị ứ đọng lại.
Để phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
Bệnh tiêu chảy
Virut Rotavirus chính là tác nhân chủ yếu gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em và thường diễn ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Virut gây tiêu chảy có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường phân - miệng. Biểu hiện thông thường là trẻ nôn trước, sau đó khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài, sốt và ho nên cha mẹ nhầm với bệnh đường hô hấp. Nguy hiểm nhất là bệnh tiêu chảy gây mất nước quá nhiều dẫn đến trụy mạch, thậm chí gây tử vong nếu không được bù nước kịp thời.
Để xử lý bệnh cha mẹ nên cho trẻ uống nước bù điện giải oresol bổ sung lượng mất nước ở cơ thể trẻ . Ngoài ra, cần cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, chuối tiêu,…
Bệnh quai bị
Bệnh quai bị xảy ra ở người lớn và trẻ em, nhất là trẻ từ 6 -10 tuổi thường phát bệnh vào mùa đông và mùa xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp do tuyến nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi như: nhà trẻ, trường học, khu tập thể và những nơi đông người…
Sau thời gian ủ bệnh từ 15- 21 ngày, với trường hợp trẻ sốt cao 38 - 390C có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém bị viêm và sưng tuyến mang tai, da căng phồng, không đỏ, đau, miệng khô và khó nuốt hoặc bộ phận sinh dục sưng to thì cần phải đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị sớm, trẻ có thể xảy ra một số biến chứng như viêm màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng dẫn đến khả năng vô sinh.
Bệnh do virut nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau…Có thể đắp ấm vùng tuyến mang tai nhằm giảm những cơn đau, chăm sóc răng miệng sạch sẽ, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Đề phòng bệnh điều cơ bản là chống lạnh và đeo khẩu trang chống bụi. Cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho con, đồng thời thay trang phục cho trẻ phù hợp với môi trường, hạn chế cho trẻ ra ngoài trời lúc có sương gió. Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, ăn uống đủ chất để có năng lượng chống lạnh và súc miệng nước muối hằng ngày, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng.
Theo tienphong.vn