Bé chịu sự chi phối từ cha mẹ và môi trường xung quanh. Trong đó, vai trò của cha mẹ là rất to lớn.
1. Cha mẹ là tấm gương
Hình mẫu của cha mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Nếu phụ huynh trung thực, nhân ái, thân thiện thì sẽ khuyến khích con cái của họ ứng xử theo cách ấy. Cha mẹ nên bày tỏ tình yêu với con cái, cũng như động viên sự tự tin ở bé.
2. Kỷ luật là cần thiết
Trước khi có con, vợ chồng bạn nên tìm hiểu quan điểm của nhau về nuôi dạy con cái. Có thể lướt web, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, người thân và thống nhất chuyện giáo dục con.
Kỷ luật là rất quan trọng khi nuôi dạy bé. Các bé đều cần tuân thủ những giới hạn hợp lý. Thông qua đó, bé nhà bạn sẽ biết hành vi nào được chấp nhận, hành vi nào thì không. Từ đó, bé học được cách ứng xử và hòa nhập tốt với xã hội.
Tuy nhiên, kỷ luật đòi hỏi sự nhất quán từ người lớn. Kỷ luật dành cho bé nên được duy trì từ ngày này sang ngày khác.
Không thống nhất và thiếu kỷ luật khi nuôi dạy con sẽ khiến các bé bối rối. Nó khiến cho chuyện dạy con bị lung lay từ gốc rễ. Bởi vì với các bé, gia đình chính là môi trường quan trọng hình thành nhân cách cho bé trước khi hòa nhập vào xã hội. Điều này giải thích vì sao những bé được nuôi dưỡng tốt có nhiều cơ hội trở thành công dân tốt về sau.
3. Dành đủ thời gian cho con cái
Điều cần nhất với bé là thời gian và sự quan tâm của cha mẹ. Trong xã hội ngày nay, thời gian để sum họp với nhiều gia đình có thể khá khó khăn. Với những gia đình, người mẹ phải đi làm thường xuyên thì con cái họ cũng bị thiệt thòi. Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian để cùng bé tham gia các hoạt động thú vị khác.
Cố gắng thu xếp thời gian mỗi ngày, chẳng hạn trong bữa sáng và bữa tối để nói chuyện với nhau. Đơn giản hơn là ăn cơm cùng con tối thiểu một bữa/ngày. Thói quen cố định là điều quan trọng với các bé. Bữa ăn cũng là thời điểm lý tưởng cho các thành viên trong nhà gần gũi nhau, là cơ hội để trò chuyện về các sự kiện trong ngày. Có thể khuyến khích mọi người cùng nhau ăn rồi nán lại tại bàn ăn – vừa giúp bé không ăn vội vàng, vừa tạo điều kiện để bé nói chuyện cùng cha mẹ.
Hãy tặng bé những ngày đặc biệt trong tuần hoặc trong tháng. Chẳng hạn, chiều thứ năm được đi siêu thị với bà, chiều thứ bảy đi công viên hoặc về thăm ông bà ngoại...
4. Ngôn ngữ tốt
Nên giải thích cho bé với tất cả mọi chuyện. Có thể phân tích cho bé hiểu về một chuyện, tìm nguyên nhân và dự đoán kết quả. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, bé chưa thể hiểu được nên không giải thích nhiều mà thích áp đặt suy nghĩ của mình lên bé. Điều này là sai lầm. Phân tích, giải thích giúp bé tư duy tốt hơn; đồng thời, tạo sự bình đẳng giữa cha mẹ và con cái. Nếu thấy cha mẹ cởi mở, bé không ngại ngần bày tỏ cảm xúc của mình.
Khi con bạn muốn nói chuyện hoặc đặt câu hỏi, hãy khuyến khích bé. Nếu bạn luôn cau có, bận bịu, bé sẽ thất vọng và không muốn chia sẻ điều gì. Nếu nhà bạn có chuyện liên quan đến bé (sơn phòng cho bé...) thì nên để bé cùng tham gia. Kết quả cuối cùng sẽ là ý kiến thống nhất của cả nhà.
Theo tienphong.vn