Ở độ tuổi đến trường, nếu được rèn luyện những quy tắc ứng xử và kỹ năng sống theo lứa tuổi dưới đây, bé sẽ có nền tảng đạo đức, phẩm chất tốt.
1. Cử chỉ văn minh
Cử chỉ văn minh là một trong những yêu cầu cơ bản của con người sống trong xã hội hiện đại. Vì vậy, trẻ cần phải biết một số cử chỉ tối thiểu như: không nhổ nước bọt bừa bãi, không tiểu tiện sai nơi quy định, không gây ồn ào nơi công cộng, biết xếp hàng chờ đến lượt, chấp hành luật giao thông…
Để rèn luyện cho bé hình thành cách ứng xử văn minh, bạn nên quan sát các phản ứng của bé khi gặp các tình huống cụ thể trong một thời gian. Từ đó, bạn sẽ có những giảng giải và hướng dẫn kịp thời cho bé.
2. Ai cũng có việc phải làm
Bảy tuổi là bé đã vào lớp một được khoảng 1 năm và sau khoảng thời gian này, bé cần nhận ra và hiểu rằng người lớn đi làm, còn trẻ em đến trường. Ai cũng có việc phải làm và có sự phân công rất công bằng. Vì vậy, không có lý do để bé từ chối đến trường hay không tham gia vào các hoạt động tập thể. Khi thấy bé có tính khí thất thường và xuất hiện tâm lý rút lui, bạn nên kiên nhẫn tìm hiểu lý do, đồng thời giúp bé vượt qua.
3. Học tập và vui chơi theo thời gian biểu
Thói quen sắp xếp công việc một cách có trình tự có thể nâng cao ý thức tự giác và hiệu quả học tập, làm việc của một em bé. Nhưng quả thật là khó để bé có thể học bài đúng giờ bởi trẻ nhỏ mải chơi, nhác học không phải là chuyện hiếm thấy.
Cách tốt nhất để bé dần loại bỏ thói quen xấu này là bạn chủ động nhắc bé về những việc cần làm với khoảng thời gian hạn định, ví dụ: “5 phút nữa là đến giờ học rồi đấy con”, “Xem ti vi 10 phút nữa rồi đi ngủ con nhé!”… Cách nhắc nhở như vậy giúp bé có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị tâm lý.
4. Tự chăm sóc bản thân
Không phải là việc gì to tát hay khó khăn mà đối với một em bé 7 tuổi, “tự chăm sóc bản thân” có thể chỉ là gấp chăn của bé sau khi ngủ dậy, dọn dẹp phòng riêng, sắp xếp góc học tập, trang trí đồ dùng cá nhân, giặt quần áo của mình… Trước khi để bé tự mình làm những việc này, bạn nên hướng dẫn bé và luôn sẵn sàng âm thầm đi sau “giải quyết hậu quả”.
5. Học cách chờ đợi
Học cách chờ đợi là bước khởi đầu để bé rèn luyện tính nhẫn nại và lòng kiên trì. Đối với một số việc bạn nên có “giao ước” trước với bé, ví dụ: xem ti vi sau khi ăn tối, hết chương trình thời sự sẽ cho xem hoạt hình, cuối tuần đi công viên…
Nếu bé chưa có khái niệm về thời gian hoặc có “ác cảm” với chiếc đồng hồ, bạn có thể “mô tả” thời gian bằng ngôn ngữ, như: “Đợi khi nào mặt trời mọc trở lại ba lần nữa, mẹ sẽ cho con đi chơi công viên” hoặc bằng những cách khác mềm mỏng hơn để bé dễ dàng chấp nhận.
Theo tienphong.vn