Nhất là đối với phụ nữ mang thai thì canxi là một trong những thành phần không thể thiếu cần được bổ sung để thai nhi có một hệ xương phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Nhưng, có nhiều mẹ bầu vẫn chưa hiểu rõ về tâm quan trọng của khoáng chất này cũng như cách bổ sung hợp lý khi mang thai.
Vai trò của canxi với phụ nữ mang thai
Khi mang thai, em bé trong bụng mẹ rất cần canxi để phát triển xương và răng chắc khỏe. Đồng thời canxi còn hỗ trợ quá trình phát triển tim, các cơ và hệ thần kinh của bé. Cho nên, mẹ bầu cung cấp đủ canxi cho thai nhi thì em bé sẽ lấy canxi từ cơ thể mẹ và điều này làm cho sức khỏe của mẹ bị suy yếu sau này.
Thiếu canxi khi mang thai cơ thể sẽ mệt mỏi, đau lưng, tê nhức cơ bắp, tê chân tay, đau cột sống, thậm chí có thể dẫn đến co giật do bị hạ canxi quá mức. Thai nhi bị thiếu canxi ngay từ khi còn trong bụng mẹ sẽ dẫn đến mắc các bệnh về xương như còi xương, chất lượng răng kém và biến dạng xương….
Thai nhi càng lớn thì xương của bé càng phát triển, vì vậy, nhu cầu canxi cũng càng cao. Thường thì, nhu cầu canxi của phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu là 800mg, 3 tháng giữa là 1000mg, 3 tháng cuối và khi cho con bú là 1500mg.
Trong giai đoạn đầu mang thai, các mẹ bầu có thể bổ sung canxi qua các thực phẩm ăn uống hàng ngày như sữa, rau xanh, đậu nành…. Nhưng sang đến giai đoạn thứ 2 của thai nhi, nhu cầu canxi của cơ thể tăng lên vì vậy các mẹ bầu cần bổ sung thêm bằng thuốc. Thường thì đến giai đoạn này bác sĩ sẽ kê thêm thuốc uống bổ sung canxi cho các mẹ, khoảng 500mg mỗi ngày, trừ trường hợp cơ thể thiếu canxi nhiều thì bác sĩ sẽ kê liều lượng cao hơn.
Bổ sung thực phẩm hỗ trợ sự hấp thụ canxi
Canxi thường không tích lũy trong cơ thể mà sẽ tự động bị đào thải ra ngoài nếu dư thừa. Mỗi thời điểm cơ thể chỉ hấp thụ được tối đa 500mg canxi nên nếu phải uống với liều lượng nhiều, các mẹ nên chia nhỏ thành nhiều lần trong ngày để cơ thể có thể hấp thụ hết.
Vitamin D là một trong những nhân tố quan trọng giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt nhất. Do vậy, các mẹ bầu cần kết hợp bổ sung các thực phẩm giàu Vitamin D như sữa, lòng đỏ trứng, gan, bơ…hoặc tăng cường tắm nắng để hấp thụ Vitamin D.
Trong đó, đồ uống có ga, nước ngọt, cà phê và 1 số thực phẩm chứa nhiều axit phốt pho ríc sẽ thúc đẩy quá trình đào thải canxi của cơ thể. Chế độ ăn uống nhiều muối, nhiều chất béo cũng như các thực phẩm chứa axit phytic, axit oxalic cũng làm giảm sự hấp thu canxi.
Tác hại của việc dư canxi
Việc bổ sung canxi khi mang thai là rất cần thiết, nhưng nếu uống canxi quá liều thì sẽ gây nên những tác hại không mong muốn. Một ngày nếu bổ sung quá 2500mg canxi thì có thể xem là quá liều. Việc cơ thể dư canxi sẽ làm cho các mẹ bầu bị táo bón, tăng nguy cơ bị sỏi thận và đồng thời làm giảm hấp thu sắt, kẽm của cơ thể, gây ra tình trạng thiếu máu.
Thừa canxi sẽ khiến cho thai nhi có nguy cơ bị tăng canxi trong máu, xương hàm của bé có thể biến dạng, ảnh hưởng tới sức khỏe và giảm tính thẩm mỹ, thêm vào đó là bánh nhau có thể bị tăng độ canxi hóa, làm giảm quá trình trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nguồn: suckhoedoisong.vn