Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng “thấp còi” là chỉ tiêu đánh giá dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và giai đoạn 2-5 năm đầu tiên của cuộc đời.
Ngày nay khi nói suy dinh dưỡng, nhiều người vẫn nghĩ ngay đến trẻ nhẹ cân so với tuổi mà không để ý đến chiều cao. Trong khi đó, ‘chiều cao thấp’ so với tuổi hay suy dinh dưỡng mãn tính là thể suy dinh dưỡng cực kỳ quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm
Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng.
Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng “thấp còi” là chỉ tiêu đánh giá dinh dưỡng kém trong giai đoạn bào thai và giai đoạn 2-5 năm đầu tiên của cuộc đời.
Chiều dài của thai nhi đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15, trong khi đó cân nặng đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến 34. Điều này có nghĩa mọi can thiệp nhằm cải thiện “chiều dài” của bào thai phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Vì thế, theo các chuyên gia, trong thời gian mang thai, ngay từ những tuần đầu tiên, người mẹ cần ăn đủ chất đạm, can xi, sắt, vitamin A, các vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác và đặc biệt là iốt cho thai tăng trưởng và dự trữ giúp bé phát triển những tháng đầu sau khi ra đời.
Những hệ lụy của tình trạng thấp còi này kéo dài qua nhiều thế hệ, người mẹ thấp bé, nhẹ cân dễ đẻ ra con suy dinh dưỡng thấp còi. Những trẻ thấp còi sau này phát triển khó đuổi kịp các bạn bình thường cùng tuổi. Từ năm 1999 đến nay, tỷ lệ thấp còi bình quân hàng năm giảm 1,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nhiều vùng ở miền Trung và Tây Nguyên còn cao, khoảng 38-44%.
Vì vậy, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý như: phối hợp nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món, ăn thức ăn giàu đạm với tỉ lệ cân đối giữa nguồn động vật và thực vật, nên tăng cường ăn cá, không ăn mặn, sử dụng muối iôt trong chế biến thức ăn…
Theo healthplus.vn