Theo bác sĩ Đào Thị YếnThủy – Chuyên khoa 1 – Nhi khoa, TT Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh: dinh dưỡng đóng góp đến 32% chiều cao của người, trong khi di truyền chỉ góp 23%...
Nếu tiềm năng, tố chất là những yếu tố di truyền hoặc bẩm sinh thì thể chất và trí tuệ của trẻ có thể được cải thiện nếu cha mẹ quan tâm và hiểu biết những quy tắc nhất định về dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt hợp lí.
Giai đoạn trẻ em là giai đoạn phát triển cả về mặt thể chất và trí tuệ. Bất cứ những rối loạn nào xảy ra trong lứa tuổi này cũng để lại những hệ quả và có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của trẻ. Cân nặng và chiều cao của trẻ nhỏ cũng tăng rất nhanh, trong vài tháng trẻ sơ sinh có thể tăng gấp đôi, gấp ba trọng lượng lúc sinh… Theo dõi những trẻ sinh ra có chiều cao 49cm (thua 1cm các trẻ sinh đủ tháng đủ ký có chiều cao trung bình là 50cm); khi trưởng thành thì những trẻ này bị thấp hơn bạn cùng tuổi 3-5cm. Có thể dự đoán chiều cao một người bằng cách nhân đôi chiều cao của trẻ lúc 2 tuổi.
Bên cạnh đó, những cảm xúc, tâm lý, thói quen của trẻ trong giai đoạn trẻ em cũng sẽ hình thành nhân cách về sau. Và sự phát triển não bộ và hệ thần kinh về mặt khối lượng và thể tích sẽ hoàn thành lúc trẻ tròn 6 tuổi. Vì vậy, chăm sóc cho trẻ em là nuôi dưỡng và giáo dục một thế hệ tương lai của đất nước. Mối quan tâm này cần một tác động kép cả về phát triển thể chất và trí thông minh.
1. Dinh dưỡng ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ:
Dinh dưỡng trong bào thai và những năm đầu đời là yếu tố quan trọng để hình thành, phát triển não bộ và hoàn thiện hệ thần kinh. Chế độ ăn hàng ngày cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của trí não và kích thích quá trình ghi nhớ, sáng tạo. Tình yêu thương, các mối quan hệ tốt đẹp trong môi trường lành mạnh sẽ nuôi dưỡng cảm xúc và cân bằng tâm lý cho trẻ. Kết quả của quá trình học tập và rèn luyện chịu tác động rất lớn từ môi trường giáo dục, sự phấn đấu của bản thân. Vì vậy, để phát triển tốt về tư duy trí tuệ, trẻ cần chế độ dinh dưỡng hợp lý bên cạnh các hoạt động, trò chơi, môi trường giáo dục và điều kiện để trao dồi kỹ năng toàn diện.
2. Dinh dưỡng tác động đến chiều cao hơn cả gien di truyền:
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản,một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ tác động trực tiếp lên sự tăng trưởng thể chất, tầm vóc và thể lực tối ưu. Dinh dưỡng đóng góp đến 32% chiều cao của người, trong khi di truyền (gen của ông bà, cha mẹ) chỉ góp 23%. Ngoài ra, 20% quyết định từ chế độ vận động, thể thao.Còn lại là yếu tố môi trường sống, ánh nắng mặt trời, bệnh tật, chủng ngừa,…
Trẻ phát triển cân nặng tốt thì chiều cao mới tăng trưởng đúng tiêu chuẩn. Chỉ cần 3 tháng liên tiếp không lên cân hay sụt cân thì chiều cao của trẻ không thể tăng được.
Trong đời người có 3 giai đọan chiều cao phát triển nhanh: trong bào thai, dưới 3 tuổi, giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Đặc biệt, giai đoạn trẻ em là tiền đề quan trọng để phát triển chiều cao của mỗi người. Giai đoạn dậy thì là giai đoạn trẻ phát triển mạnh nhất về khối xương, cơ bắp. Sau khi dậy thì vài năm, chiều cao hầu như không tăng nhiều.
3. Khi phụ huynh hiểu sai về dinh dưỡng:
Hầu hết các bậc phụ huynh hiện nay rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho con, nhưng không phải ai cũng làm đúng cách. Chất béo cung cấp năng lượng quan trọng và giúp hấp thu các vitamin cần thiết như vitamin A, D, E, K cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên một số bà mẹ lại sợ ăn dầu mỡ gây tiêu chảy, hoặc kiêng cử dầu mỡ khi trẻ bị cảm. Chính định kiến sai lầm này làm cho trẻthiếu năng lượng, thiếu chất dinh dưỡng để chống bệnh và gây chậm tăng trưởng, thiếu vitamin…
Có nhiều bà mẹ than phiền đã tốn nhiều công sức để hầm xương nấu cháo cho trẻ ăn ngày này qua tháng nọ nhưng bé vẫn bị suy dinh dưỡng. Hỏi ra mới hay mẹ chỉ cho bé ăn phần nước xương chứa rất ít chất dinh dưỡng! Nên nhớ “Khôn ăn cái, dại ăn nước”.
Một số phụ huynh có xu hướng áp đặt con theo ý mình từ thói quen ăn uống cho đến học hành, vui chơi mà không hề biết rằng, mỗi đứa trẻ thường có những tố chất riêng biệt. Vì thế, trẻ có thể bị thui chột khả năng sáng tạo,mất tự tin, nhút nhát và không phát huy hết được những tố chất tiềm tàng bên trong một cách tự nhiên, đôi khi còn bị căng thẳng và rối loạn tâm lý lẫn sức khỏe tâm thần.
Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần thường xuyên cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng nuôi dạy trẻ, tạo môi trường thuận lợi cho trẻ phát huy khả năng, bồi dưỡng tố chất và trãi nghiệm để có sự phát triển tốt nhất và toàn diện nhất.
Theo tienphong.vn